Thị trường nhôm định hình: Thoát hiểm cách nào?

Nhôm xây dựng nói chung và nhôm thanh định hình là một trong những ngành có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên nếu không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra thị trường phát triển ổn định, xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu Việt thì các nhà sản xuất trong nước sẽ tự đánh mất thị trường vào tay các DN nước ngoài.





Nếu không tìm được tiếng nói chung về chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra thị trường phát triển thì các nhà sản xuất nhôm trong nước sẽ tự đánh mất thị trường.

Quay cuồng trong “tâm bão”

Việc dư thừa các nguồn hàng hóa trong nước đã khiến Trung Quốc thúc đẩy làn sóng xuất khẩu dư thừa sang cả thế giới báo hiệu cuộc khủng hoảng của nhiều ngành công nghiệp. Việt Nam cũng đang gánh chịu những hệ quả của cơn bão ấy mà một trong những thị trường chịu tác động nặng nề là nhôm định hình.

Trung Quốc đang cung cấp tới hơn một nửa nguồn cung nhôm hiện tại trên thế giới. Hina Hongqiao, nhà máy luyện nhôm lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng công suất lên 6 triệu tấn. Các sản phẩm nhôm thanh định hình của Trung Quốc được nhập và bán tại thị trường Việt Nam luôn có giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm được sản xuất bởi các DN trong nước. Chiến lược xâm chiếm thị trường bằng cách bán dưới giá, thấp hơn mức giá sản xuất của DN trong nước đã khiến các thương hiệu nhôm Trung Quốc như Xingfa, Fenglu,… bao phủ và chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn, làm lũng đoạn thị trường và bóp chết thị phần của các DN trong nước sản xuất chân chính.

Khác với các sản phẩm nhôm sản xuất trong nước, chịu sự kiểm định về nguồn gốc sản xuất, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, kiểm tra xuất xưởng, kiểm định chất lượng thì các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc không chịu bất cứ rào cản nào về mặt kiểm định cũng như giải quyết các khiếu nại về chất lượng và người trực tiếp chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch HĐQT Nhôm Euroha khẳng định các DN trong cùng lĩnh vực sản xuất nhôm định hình hiện hoàn toàn có chứng cứ phân định rõ danh tính các DN tốt, DN tốt một phần và DN gian lận.

Trong khi các sản phẩm của DN sản xuất trong nước tuân thủ sử dụng các nguyên liệu đầu vào chất lượng, các quy trình kiểm định sản xuất nghiêm ngặt để có sản phẩm tốt nhất thì lại bị cạnh tranh bởi những sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, được sản xuất từ nguyên liệu “bẩn”, nhưng được các nhà sản xuất “phù phép” trở nên bóng bẩy, bắt mắt. Chất lượng nguyên liệu thấp cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật được chỉnh sửa phù hợp với sản phẩm giá rẻ, kết hợp việc mở biên độ lợi nhuận cao cho trung gian phân phối là chiêu bài được thực hiện bởi các hãng nhôm Trung Quốc. Việc làm này đã cho các trung gian thương mại, trung gian trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn thiết kế, các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối trong nước chạy theo lợi nhuận và món hời trước mắt lừa gạt khách hàng. Họ sẵn sàng bày hàng nội có chất lượng để bơm thổi quảng cáo về các đặc tính ưu việt của hàng loạt nhãn hàng Trung Quốc xuất khẩu giá rẻ nhưng chất lượng chưa được chứng thực đánh trúng vào tâm lý sính ngoại của một bộ phận tiêu dùng để thu về nguồn lợi bất chính.

Để cho ra sản phẩm hệ cửa hoàn chỉnh cần rất nhiều hệ linh phụ kiện, kính, đệm, tay nắm,… sản phẩm chất lượng được nhập khẩu từ Đức, Úc, Đài Loan chỉ chiếm số nhỏ, 90% đều nhập từ Trung Quốc. Và với sự nhập nhằng đánh lận chất lượng như với thanh nhôm thì hệ quả cuối cùng vẫn là đổ lên người tiêu dùng. Hơn nữa khi gặp phải những vấn đề về chất lượng thì họ không biết đòi hỏi quyền lợi ở đâu vì không biết xuất xứ sản phẩm, không ai đứng ra nhận đảm bảo về mặt chất lượng, và thường nhận được sự phủi tay, thoái thác trách nhiệm của các nhà cung cấp trung gian này.

Động thái bảo trợ tích cực

Mới đây Tổng cục Hải quan vừa có công văn đề nghị các cục hải quan tỉnh, TP tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trước và sau thông quan đối với mặt hàng nhôm thanh định hình nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, đơn vị nhận được thông tin về việc một số DN nhập khẩu mặt hàng nhôm thanh định hình có dấu hiệu vi phạm trong việc kê khai sai tên hàng và mã số để hưởng thuế suất thấp theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, TP tăng cường công tác thu thập thông tin, phân tích rủi ro, xác định trọng điểm để xác định các đối tượng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm trong khai báo mã hàng 7604.21.90 nhập khẩu từ Trung Quốc để trốn thuế, gian lận thương mại.

Đồng thời, thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 26 Thông tư 38/2015/TT-BTC về việc xử lý trong trường hợp người khai hải quan chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Theo đó, trường hợp chưa nộp được C/O tại thời điểm khai hải quan, người khai hải quan khai theo mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc hoặc thông thường. Khi nộp bổ sung C/O trong thời hạn theo quy định, người khai hải quan khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khai báo nhôm thanh định hình thuộc mã 7604.21.90 có C/O from E thực hiện lấy mẫu gửi đi phân tích tại Cục Kiểm định Hải quan để có cơ sở xác định đúng bản chất, thành phần, tính chất lý hóa của lô hàng nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp nhập khẩu hàng hóa theo mã số 7604.21.90, được hoàn trả số tiền thuế nộp bổ sung C/O from E để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước đang giúp ngành nhôm đứng trước cơ hội phát triển hơn bao giờ hết. Chính phủ đã lên một kế hoạch dài hạn tới năm 2025 nhằm hỗ trợ các dự án cơ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng có trị giá lên tới 289 tỷ USD. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất nhôm cũng được đảm bảo bởi những dự án nhôm lớn trong nước cũng như việc thuế nhập khẩu nhôm nguyên liệu đã ở mức 0%.

Điều còn lại chính là ý thức tự vệ của chính các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình Việt Nam. Bởi trước sự điều chỉnh của thị trường thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng, các DN có những cách phản ứng khác nhau và đôi lúc thay vì hỗ trợ nhau cùng phát triển thì các DN lại quay ra tìm cách triệt hạ lẫn nhau vấn đề không hề hiếm trong ngành này.

Đây cũng là cơ hội để các DN nước ngoài lấn sân vào thị trường Việt Nam. Nhôm xây dựng nói chung và nhôm thanh định hình là một trong những ngành có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, tuy nhiên nếu không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn về chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra 1 thị trường phát triển ổn định, xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu Việt thì các nhà sản xuất trong nước sẽ tự đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Xem thêm bài viết: Nhập khẩu nhôm định hình có cần công bố hợp quy?

Nhận xét